Dựa trên những căn cứ nào để đòi bồi thường khi bị người khác dùng hung khí nguy hiểm gây thương tích?
Gây thương tích 12% bồi thường cho bị hại 10 triệu đồng
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân Đan Phượng (Hà Nội) vào ngày 19/6/2016, Lê Hồng Hiếu và Phạm Văn Toàn là bạn học, cùng ở xã Phượng Đình, Đan Phượng, Hà Nội đi uống bia với nhau. Trong quá trình uống bia thì Hiếu và Toàn có nảy sinh mâu thuẫn. Hiếu chửi Toàn và Toàn đứng đối diện đã dùng cốc bia thủy tinh của mình ném vào vùng mặt của Hiếu.
Kết quả là Hiếu bị 1 vết thương đứt đôi sống mũi, một vết thương đứt đôi môi dưới, 2 vết thương ở cằm. Sau đó Hiếu được Toàn cùng mọi người đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Đan Phượng
Tại bản kết luận giám định thương tích của Trung Tâm pháp y – Sở y tế Hà Nội khẳng định : Tỉ lệ tổn hại sức khỏe của Hiếu là 12%.
Tại phiên tòa sơ thẩm của TAND Đan Phượng, Toàn bị xét xử tội Cố ý gây thương tích với mức án 2 năm tù - cho hưởng án treo, thời gian thử thách 4 năm. Bồi thường dân sự 10 triệu đồng.
Kháng cáo đòi tăng mức bồi thường lên 100 triệu
Không chấp nhận với nội dung bản án trên, gửi đơn kháng cáo, bị hại Lê Hồng Hiếu cho rằng: Vụ án đã được xét xử sơ thẩm nhưng bị hại không nhận được văn bản của tòa án mà tòa vẫn xét xử vắng mặt bị cáo. Đề nghị tăng hình phạt với Toàn và yêu cầu bồi thường 100 triệu đồng tiền tổn thất sức khỏe và tổn hại tâm thần.
Đưa ra quan điểm trước phiên tòa, đại diện VKS cho rằng, các yêu cầu bồi thường thiệt hại của gia đình Lê Hồng Hiếu chưa xuất trình được các hóa đơn và chứng từ nên không xem xét.
Sau thời gian nghị án, HĐXX cũng không chấp nhận kháng cáo của Hiếu, giữ nguyên mức án, không chấp nhận đề nghị tăng mức bồi thườngcủa gia đình Hiếu. Căn cứ chi trả bồi thường cho Hiếu là khoản tiền mà bệnh nhân phải trả cho bệnh viện khi đã được bảo hiểm y tế chi trả.
|
Hai mẹ con bị hại Lê Hồng Hiếu tại tòa |
Đồng thời, gợi ý nếu nếu gia đình Hiếu có yêu cầu bồi thường thì có thể yêu cầu trong một vụ án dân sự khác.
Nói với chúng tôi mẹ của bị cáo Lê Hồng Hiếu cho rằng: Gia cảnh nhà chúng tôi rất khó khăn. Trong việc điều trị cho con, hóa đơn bệnh viên hết 10,8 triệu đồng, sau khi trừ chi phí bảo hiểm thì gia đình phải nộp 3,5 triệu đồn . Ngoài chi phí điều trị, gia đình tôi còn phải đưa con đi giám định sức khỏe, chi giám định khoảng 2,6 triệu đồng. Ngoài ra, còn tiền thuốc men, tiền ăn trong quá trình chữa bệnh, chi phí đi lại... Hiếu phải nghỉ việc. Tôi phải bỏ việc để chăm sóc cháu trong nhiều ngày. Sau này, mũi của Hiếu còn phải đi thẩm mỹ lại vì hiện rất xấu.
Từ sau độ bị đánh, tinh thần của con tôi còn không bình thường. Chồng tôi đang bị ung thư. Gia cảnh nhà tôi đúng là khó muôn phần, tuy nhiên trong phiên tòa, tôi nhiều lần muốn phát biểu nhưng không được nói.
Chi phí nào là hợp lý?
Ở vị trí người bị hại, gia đình Hiếu rất bức xúc với cách tính thiệt hại của nhà tòa. Họ cho rằng tòa đã giảm trừ trách nhiệm cho Toàn khoản tiền mà BHYT chi trả, trong khi BHYT là do gia đình Hiếu phải mua.
Trao đổi với chúng tôi Luật sư Phạm Hồng Kiên (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho rằng: Trong vụ án này thiệt hại của anh Lê Hồng Hiếu phải kể đến là thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm (bao gồm chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất...); Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm; Thiệt hại do danh sự, nhân phẩm và uy tín bị xâm hại...
Theo quan điểm của tôi, trong trường hợp trên, thì bị cáo phải trả toàn bộ số tiền thiệt hại do sức khỏe bị xâm hại bao gồm hơn 10 triệu đồng tiền cứu chữa bệnh ở bệnh viện và những khoản khám chữa, thuốc men khác. Không được miễn giảm phần BHXH đã thanh toán. Hiếu có bảo hiểm, nhưng đó thành quả của việc Hiếu đã bỏ tiền ra mua mà có nên không thể coi đó là khoản trừ cho bị hại. Phải căn cứ vào khoản tiền khi chưa khấu trừ bảo hiểm để bền bù và cộng với các khoản khác mới hợp lý.Theo Luật thì nghĩa vụ chứng minh là của bị hại. Bị hại phải nêu rõ các khoản thiệt hại thực tế đã xảy ra, mức yêu cầu và phải có chứng từ hoặc giấy biên nhận hợp lệ về các khoản chi phí hợp lý, về thu nhập của người bị thiệt hại.
Phóng viên báo đã có trao đổi với luật sư Phạm Đình Hưng cùng về vấn đề trên. Luật sư Hưng lại có quan điểm khác: Tội phạm thường diễn ra bất ngờ. Những thiệt hại do tội phạm gây ra không được lường trước được nên khi có yêu cầu đòi bồi thường thì người ta gọi là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Để xét xử bồi thường, các cơ quan pháp luật sẽ dựa vào chứng từ thực tiễn để xem xét và những trường hợp thiếu chứng từ thì chi phí đòi bồi thường phải phù hợp với thực tiễn.
Có thể yêu cầu bồi thường nhiều khoản thiệt hại xảy ra. Tuy nhiên đối với trường hợp mà phóng viên nêu lên, tôi cho rằng bị cáo sẽ bồi thường cho bị hại số tiền sau khi BHYT chi trả. Số tiền còn lại được tính là thiệt hại của BHYT, cơ quan này có thể yêu cầu bị cáo của vụ án chi trả trong một vụ kiện khác.
Được biết đây là vấn đề chưa có hướng dẫn rõ ràng và là vướng mắc của nhiều vụ án tại tòa án.